Tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch) là một phần của tập quán tâm linh trong văn hóa nhiều nước Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc,… Để biết tháng cô hồn là gì, kiêng kỵ như thế nào trong tháng cô hồn? Mời bạn đọc tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Vì sao tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn?
1. Tháng cô hồn là gì? Nguồn gốc
Trong tín ngưỡng của người Á Đông đặc biệt là nước Việt Nam và Trung Quốc, tháng cô hồn liên quan đến việc Diêm Vương mở cửa quỷ môn quan, cho phép linh hồn của người đã qua đời có thể trở về thăm thân nhân và thế gian. Trong thời gian này, người dân thường thực hiện các hoạt động cúng dường để giúp đỡ các linh hồn này không quấy phá, gia đình được bình an.
Ở Việt Nam, tháng cô hồn được tính từ ngày 1/7 – 30/7 âm lịch và là tín ngưỡng tâm linh truyền thống đã tồn tại từ xa xưa đến nay.
Tác giả Bùi Xuân Mỹ viết trong cuốn Tục thờ cúng của người Việt: “Theo tín ngưỡng truyền thống thì vào ngày Rằm tháng 7, các tội nhân ở cõi âm được tha tội một ngày, bởi vậy các gia đình ở dương gian làm cỗ bàn cúng gia tiên, đốt vàng mã và cầu cúng tụng kinh độ trì cho họ”.
Tháng cô hồn mang nhiều ý nghĩa tâm linh trong văn hóa
Trong cuốn Phong tục thờ cúng của người Việt do NXB Văn hóa Thông tin phát hành có đoạn: “Tết Trung nguyên là tết tổ chức vào ngày rằm tháng bảy, dân gian còn gọi là ngày Xá tội vong nhân. Nhiều người bày lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà, rìa đường phố, cúng cô hồn, ma đói, dùng lễ vật sơ sài như bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc”.
Ở mỗi tôn giáo hay thậm chí mỗi vùng miền của đất nước Việt Nam sẽ có quan điểm hơi khác nhau về tháng cô hồn. Trong khi người miền Bắc thiên về cúng Xá tội vong nhân vào tháng cô hồn thì ở miền Trung và miền Nam lại trọng Lễ Vu Lan báo hiếu bậc sinh thành.
Dù diễn giải hay đề cao quan niệm nào thì chung quy lại, tháng cô hồn hay Lễ Vu Lan báo hiếu đều là những quan niệm hướng tới ý nghĩa tốt đẹp là nhớ về tổ tiên, báo hiếu cha mẹ và làm việc thiện giúp đỡ người khác.
Ý nghĩa
Với quan niệm rằng mỗi người đề có hai phần là phần xác và phần hồn, dân gian cho rằng tháng 7 âm lịch các linh hồn ở dưới sẽ lên dương gian để nhận lễ cúng từ người thân hoặc đi lang thang quấy rối người khác nếu không được cúng dường.
Đây là dịp để tưởng nhớ đến tổ tiên nên trong tháng cô hồn, các gia đình thường chuẩn bị mâm cúng thịnh soạn dâng lên gia tiên để tỏ lòng thành kính.
Tháng 7 âm lịch còn là dịp tưởng nhớ tổ tiên
Ngoài ra, các gia đình thường chuẩn bị thêm mâm cúng đơn sơ gồm cháo loãng, cơm trắng, gạo, muối, bỏng ngô, bánh, kẹo,… để giúp các vong linh có được bữa ăn no nê, giải thoát khỏi khổ đau, cũng như tránh bị quấy phá và giữ bình an cho gia đình.
Nhiều người Việt Nam trong ngày này cũng phát tâm đi làm việc thiện, giúp đỡ người khó khăn với mong muốn người có hoàn cảnh khó khăn sẽ cảm thấy được sẻ chia, ấm áp trong ngày này.
2. Một số điều nên kiêng kỵ trong tháng cô hồn Không nên mua nhà đất, khai trương cửa hàng
Không nên mua bán nhà đất, không nên khởi công xây dựng hoặc mở cửa hàng mới trong tháng này, vì người ta tin rằng các linh hồn có thể quấy phá thành tựu của người trần, ảnh hưởng đến tài chính và may mắn của người mới mua bán những tài sản quan trọng.
Về góc độ khoa học, tháng 7 âm lịch ở Việt Nam có mưa nhiều, một số vùng miền chịu cảnh bão lũ, sạt lở nên việc mua nhà đất, xây nhà, khai trương cửa hàng là điều không nên.
Không nên tổ chức đám cưới
Truyền thống khuyến nghị tránh tổ chức đám cưới trong tháng cô hồn, vì ngày cưới thường mang ý nghĩa vui vẻ và linh hồn trong tháng này có thể cảm thấy khó chịu và tìm cách quấy phá khiến các cặp đôi gặp bất hòa, lục đục.
Không nên cắt móng tay, cắt tóc
Tránh việc cắt móng tay, cắt tóc trong tháng cô hồn, đặc biệt là vào ngày mùng 1 đầu tháng vì quan niệm dân gian có thể gây hao tài, ảnh hưởng đến sức khỏe và may mắn.
Tuy nhiên ở góc độ khác thì đây là thời điểm giao mùa, độ ẩm cao khiến nhiều loại vi khuẩn phát triển trong môi trường làm cho cơ thể người dễ mắc các bệnh cảm cúm, bệnh vặt,…
Không nên ra khỏi nhà lúc đêm khuya
Trong tháng cô hồn, người ta thường tránh ra ngoài lúc đêm khuya vì cho rằng có nhiều linh hồn lang thang và có thể quấy nhiễu, trêu ghẹo. Ngoài ra người ta còn tránh gọi tên nhau khi đi ra ngoài đường vào buổi khuya vì sợ vong hồn biết tên mà đi theo người trần.
Nhiều người còn cẩn thận không lại gần ao hồ, sông suối để giữ bản thân được an toàn trong tháng cô hồn.
Không nên nhặt tiền rơi
Trong lễ cúng cô hồn, nhiều gia đình có xu hướng rải tiền lẻ ra đường để thí cho các vong hồn. Người ta quan niệm rằng nếu nhặt tiền rơi trong tháng cô hồn sẽ khiến các vong hồn theo về nhà hoặc quấy phá, mang đến điều xui xẻo.
3. Cách cầu an tháng cô hồn
Nhiều gia đình có hoạt động cầu an tháng cô hồn để cả gia đình được bình an, công việc suôn sẻ, đi đường an toàn. Dưới đây là gợi ý một số cách để cầu an tháng cô hồn mà bạn có thể tham khảo:
– Chuẩn bị mâm lễ cúng cô hồn vào bất kỳ ngày nào trong tháng 7 âm lịch, tốt nhất là ngày 2 hoặc ngày 16 âm lịch. Mâm cúng cô hồn ngoài đường có thể chuẩn bị những món đơn sơ được nêu ở phần trên như bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc, gạo, muối,…
Mâm cúng chúng sinh tháng cô hồn
– Chuẩn bị mâm lễ cúng tổ tiên, người thân đã khuất gồm những món thân thuộc như: gà luộc, xôi, cơm trắng, rượu, trái cây hoặc những món mà lúc sinh thời người thân yêu thích. Đi thăm mộ hoặc nơi trữ tro cốt của người thân để tỏ lòng tưởng nhớ, cầu xin phù hộ bình an vì tháng cô hồn còn gọi là Tết của người đã khuất.
– Đi chùa viếng Phật, cúng đường, làm công đức để cầu mong gia đình được bình an qua tháng cô hồn.
Đi chùa cầu an tháng cô hồn
– Ăn chay vào ngày mùng 1, ngày rằm hoặc nếu có thể bạn hãy tập ăn chay nguyên tháng 7 âm lịch để tránh sát sinh động vật, tạo điềm lành.
Kết: Tháng cô hồn có thể rất quan trọng đối với nhiều gia đình nhưng cũng có thể như những tháng bình thường đối với nhiều nhà khác. Quan niệm dân gian là vậy nhưng bạn không cần quá lo lắng vì chỉ cần trong tâm trí luôn nghĩ việc thiện, làm điều tốt thì tháng cô hồn sẽ không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.
Hy vọng những thông tin xoay quanh chủ đề Tháng cô hồn sẽ giúp bạn đọc biết thêm nhiều quan niệm dân gian và nét văn hóa tâm linh của người Việt Nam.
Nguồn : https://dienmaycholon.com/kinh-nghiem-mua-sam/vi-sao-thang-7-am-lich-la-thang-co-hon-lam-cach-nao-de-cau-an-thang-co-hon