Đây là ngành nghề mơ ước của nhiều thế hệ học sinh, với thu nhập hàng năm có thể lên đến hàng tỷ đồng. Hiện nay, ngành này đang phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng tăng trong lĩnh vực hàng không.
Không cần bằng đại học nhưng phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe
Để trở thành phi công lái máy bay dân dụng, các học viên sẽ phải trải qua khâu tuyển chọn vô cùng khắt khe, nghiêm ngặt về cả thể hình và thể lực, ngoài ra còn yêu cầu trình độ tiếng Anh.
Trong những năm gần đây, ngành hàng không ngày càng thu hút sự quan tâm từ học sinh và phụ huynh nhờ cơ hội nghề nghiệp rộng mở, nhu cầu tuyển dụng cao từ các hãng hàng không trong và ngoài nước. Đặc biệt, nghề phi công được nhiều người yêu thích bởi vừa có thu nhập ổn định, vừa có cơ hội đặt chân đến nhiều quốc gia.
Là người điều khiển máy bay vận chuyển hành khách và hàng hóa, phi công phải trải qua đào tạo và kiểm tra khắt khe về thể lực, kiến thức, kỹ năng. Ở Việt Nam, phi công gồm hai loại chính: phi công dân sự và phi công quân sự. Phi công dân sự làm việc cho các hãng hàng không, trong khi phi công quân sự phục vụ trong lực lượng quốc phòng.
Để trở thành phi công dân dụng, học viên cần đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thể hình, thể lực, trình độ tiếng Anh và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu. Tại Việt Nam, không bắt buộc có bằng đại học nhưng cần tốt nghiệp THPT và được đào tạo tại các cơ sở uy tín, đáp ứng chuẩn chuyên môn.
Một số trường đào tạo phi công uy tín tại Việt Nam gồm:
Trường Phi công Bay Việt: Yêu cầu ứng viên phải vượt qua ba vòng tuyển chọn: thi tiếng Anh, kiểm tra khả năng thích ứng và tố chất bay, phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh. Điều kiện sức khỏe cũng rất khắt khe: nam phải cao từ 1m65, nặng từ 54kg; nữ cao từ 1m60, nặng từ 48kg. Chi phí khóa học khoảng 1,7 tỷ đồng, bao gồm chi phí học tập và lưu trú ở nước ngoài.
Các phi công tương lai luôn được rèn luyện rất kỹ, đồng thời luôn phải tuân thủ những quy tắc khắc nghiệt về sức khỏe, trình độ. Đến khi đã trở thành phi công chính thức, để giữ được bằng lái, mỗi năm các phi công phải trải qua từ 1 đến 2 đợt khám sức khỏe và 6 kỳ thi chuyên môn.
Stanford Aviation International Company (SAIC): Là trung tâm liên kết đào tạo tại Philippines, khóa học kéo dài 14 tháng với học phí khoảng 72.000 USD (~1,8 tỷ đồng).
Sau khóa đào tạo cơ bản, học viên sẽ tham gia chương trình huấn luyện chuyển loại để trở thành cơ phó, tích lũy hàng nghìn giờ bay và kinh nghiệm trong 5 năm để đủ điều kiện làm cơ trưởng. Quá trình đào tạo một phi công chuyên nghiệp thường kéo dài từ 6 đến 9 năm.
Công việc căng thẳng, thu nhập cao
Cơ trưởng thường có mức lương cao hơn cơ phó và với những phi công dày dặn kinh nghiệm hoặc bay các tuyến quốc tế, mức lương có thể đạt ngưỡng cao hơn.
Phi công là một trong những ngành có mức lương hấp dẫn, dao động từ 80-120 triệu đồng/tháng, tùy vào kinh nghiệm, chức vụ và số giờ bay. Ngoài lương cơ bản, phi công còn được hưởng các khoản phụ cấp khác. Đối với cơ trưởng hay các phi công có nhiều kinh nghiệm bay quốc tế, thu nhập có thể cao hơn.
Anh Trung Minh (sinh năm 1981, Hà Nội), hiện là cơ trưởng và giáo viên huấn luyện bay, chia sẻ: “Được đến và trải nghiệm nhiều nơi là lý do khiến phi công trở thành một nghề đáng mơ ước. Ngoài ra, thu nhập cao và môi trường làm việc chuyên nghiệp cũng hấp dẫn giới trẻ”.
Mặc dù có thu nhập cao và cơ hội đi khắp nơi, phi công phải đối mặt với áp lực lớn, đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn. Họ phải xử lý nhanh nhạy trong tình huống khẩn cấp, bay trong điều kiện thời tiết xấu, đối phó với các sự cố kỹ thuật và nhiều áp lực khác. Nghề phi công cũng thuộc nhóm các nghề nguy hiểm hàng đầu thế giới, đòi hỏi khả năng tập trung cao độ trong suốt quá trình cất cánh, hạ cánh.
Bên cạnh đó, việc thay đổi múi giờ liên tục khi bay quốc tế có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc thù công việc bận rộn khiến nhiều phi công khó dành thời gian cho gia đình.
Vì vậy, để theo đuổi nghề phi công, học viên phải xác định mục tiêu rõ ràng, học cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống, và chấp nhận rủi ro để theo đuổi đam mê.