Bé gái 14 tuổi đã tự kết thúc cuộc đời mình do không thể đáp ứng sự kỳ vọng của bố mẹ và áp lực quá lớn từ học hành.
Tôn trọng sở thích và khả năng của con trong việc học hành là một trong những điều vô cùng quan trọng mà tất cả các bậc phụ huynh hiện đại cần nhớ. Bởi nhiều người không biết rằng, chính những kỳ vọng của bố mẹ đặt lên người con vô tình là “con dao” đã tước đoạt mạng sống của đứa trẻ. Câu chuyện thương tâm của bé gái 14 tuổi ở Thượng Hải mới đây đã khiến tất cả các bậc phụ huynh ở Trung Quốc bàng hoàng.
Ảnh minh họa
Theo Sohu chia sẻ, bé gái đã chọn cách nhảy lầu tự tử vì áp lực học hành quá lớn, bé không đáp ứng được sự kỳ vọng của bố mẹ. Khi em qua đời, phụ huynh đã tìm được một lá thư tuyệt mệnh dài 3 trang mà cô bé để lại. Bên cạnh đó là toàn bộ số tiền tiêu vặt, điện thoại và nhiều thứ khác đều được đặt ngay ngắn trên bàn.
Mỗi câu chữ trong lá thư đã khiến không chỉ bố mẹ bé mà bất kì ai đọc được đều òa khóc đau lòng.
Mở đầu lá thư, đứa trẻ đáng thương bày tỏ thật vinh dự khi được biết cha mẹ ở kiếp này nhưng “con mong kiếp sau chúng ta sẽ không gặp nhau”.
Cô bé cảm thấy bản thân không phải là đứa con hoàn hảo của cha mẹ vì không thể lọt vào top 10 hay top 20 ở lớp do thỉnh thoảng vẫn bị điểm kém. Vì thế em thường xuyên phải nghe những lời lẽ mắng chửi từ gia đình. Đêm nào trong căn nhà cũng vang lên những tiếng la hét của bố mẹ, thậm chí là cái bạt tai, sau đó là bị đánh vào bàn tay, cánh tay, đùi, lưng…
3 trang giấy trắng ngắn ngủi nhưng nó chứa đựng tất cả những gì đau đớn nhất mà cô bé phải chịu trước khi mất.
Điều khiến người đọc đau lòng hơn cả là sau hàng loạt những giận hờn, trách cứ của đứa trẻ vì bố mẹ kỳ vọng học tập quá lớn, thường xuyên đánh đập em… nhưng đến cuối cùng, em vẫn dành sự quan tâm, dặn dò đầy tình cảm cho đấng sinh thành.
“Bố mẹ đừng thức khuya nữa nhé, hãy đưa bà ngoại về sống cùng để chăm sóc bà mau khỏe…”.
Bức thư đau lòng…
Thực tế đây không phải là câu chuyện đau lòng đầu tiên của những đứa trẻ phải chịu áp lực quá lớn từ việc học, từ sự kỳ vọng của cha mẹ. Trước đó cũng đã có rất nhiều những tai nạn thương tâm xảy đến với trẻ mà nguyên nhân cũng tương tự, để lại nỗi đau cho người ở lại, sự bàng hoàng trong đại bộ phận các bậc làm cha, làm mẹ và thầy cô.
Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh gay gắt cho các bậc cha mẹ về việc cần kiểm soát hành vi của bản thân, lời nói để không làm tổn thương đến con trẻ. Bên cạnh đó, đừng đặt sự kỳ vọng quá lớn tạo áp lực học hành cho con.
Hỗ trợ con trong học tập là điều nên làm, nhưng cần thực hiện một cách khéo léo và tinh tế. Cha mẹ không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên con, mà thay vào đó hãy trở thành người đồng hành. Hãy cùng con khám phá kiến thức thay vì làm thay chúng. Ví dụ, khi con gặp khó khăn trong bài tập, cha mẹ nên hướng dẫn con từng bước, chỉ cho con thấy các cách làm khác nhau để con có thể tự tìm ra giải pháp. Điều này không chỉ giúp con phát triển tư duy mà còn xây dựng sự tự tin và khả năng giải quyết vấn đề.
Để việc học của con được thuận lợi hơn, cha mẹ cần giúp con sắp xếp khu vực học tập một cách hợp lý. Một không gian thoáng đãng, đủ ánh sáng sẽ giúp con tập trung và đạt hiệu quả cao hơn. Hãy tạo cho con thói quen lập kế hoạch cho việc học tập cũng như các hoạt động khác trong cuộc sống, từ đó giúp con biết cách quản lý thời gian và làm việc có mục tiêu.
Động viên và công nhận sự cố gắng của con là yếu tố rất quan trọng. Thay vì chỉ nhìn vào kết quả, hãy quan tâm đến nỗ lực mà con đã bỏ ra. Đôi khi, chỉ cần một lời khen ngợi, một cái ôm hay một cái vỗ vai nhẹ nhàng cũng đủ để con cảm thấy được cha mẹ công nhận và yêu thương.
Điểm số chỉ là một phần rất nhỏ trong quá trình phát triển của trẻ và không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành công sau này. Có những em học không giỏi một môn nào đó, nhưng lại rất tài năng trong những lĩnh vực khác. Vì vậy, hãy cho con cơ hội khám phá những tiềm năng khác của mình, thay vì dán nhãn rằng điểm thấp đồng nghĩa với sự kém cỏi.
Việc đặt kỳ vọng quá cao có thể vô tình khiến con cảm thấy áp lực và mất đi niềm vui trong học tập. Cha mẹ cần biết rằng, mỗi đứa trẻ đều có nhịp độ phát triển và thế mạnh riêng. Đôi khi, chỉ cần cha mẹ lắng nghe, thấu hiểu và cho con thấy rằng gia đình luôn là nơi an toàn để con trở về, con sẽ có thêm động lực để học hỏi và trưởng thành một cách tự nhiên nhất.