Sau khi tấn công một ngư dân gãy tay và chân, nhóm người trên tàu Trung Quốc dùng gậy sắt đập phá cabin, đánh thuyền trưởng tàu cá Quảng Ngãi bất tỉnh.
“Tôi làm thuyền trưởng hơn 10 năm, va chạm với tàu Trung Quốc nhiều lần, nhưng lần này thấy họ rất bạo lực, dùng gậy sắt đánh người dã man”, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên (40 tuổi, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) nói. Sau 4 ngày bị đánh, lưng anh Biên còn hai vết bầm dài ở vị trí gần phổi, khó thở, đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.
Anh Biên cùng 9 thuyền viên xuất bến từ cảng Sa Kỳ ngày 13/9 ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản. Sau một ngày, tàu tới ngư trường. Thời gian này biển khá êm, ngư dân phân công nhiệm vụ, chia nhau ra các thúng làm nghề lặn và câu, sau nửa tháng được 4 tấn cá.
Khoảng 6h ngày 29/9, khi tàu cách đảo Chim Yến gần 15 hải lý (hơn 28 km), anh Biên phát hiện tàu sắt chạy với tốc độ cao, hướng về tàu mình. Một giờ sau, tàu sắt bắt kịp tàu cá. Lúc này ngư dân mới nhìn rõ tàu đang rượt đuổi mang số hiệu 301 của Trung Quốc.
Khi áp sát tàu ngư dân, tàu sắt 301 thả hai canô chạy hai bên sườn tàu cá, còn tàu sắt vượt lên trước mũi tàu mục tiêu để truy cản. Mỗi khi bị tàu lớn chặn đường, thuyền trưởng Biên lại lái tàu lách đi hướng khác. Truy đuổi không thành, một tàu khác mang số hiệu 101 được điều động phối hợp tàu 301 vây ráp tàu cá ngư dân. Tàu 101 thả thêm một canô tạo vòng vây, bám sát và cản đường.
Ở trên tàu cá, anh Biên cùng các thuyền viên phân công nhiệm vụ để thoát khỏi tàu nước ngoài. Anh Huỳnh Tiến Công (47 tuổi) ở bên mạn trái, còn anh Nguyễn Thương (34 tuổi) ở bên mạn phải tàu đóng vai trò quan sát hướng của canô và tàu Trung Quốc để chỉ hướng cho thuyền trưởng Biên lái.
Sau hơn một giờ theo sát, khoảng 9h, gần 40 người trên tàu lớn dùng cây móc vào tàu cá để khống chế, trèo lên mạn trái. Thuyền viên Công đứng quan sát ở đây bị họ dùng gậy sắt đánh tới tấp, khiến tay, chân bị gãy.
“Họ lao ra đánh xối xả vào tay, chân tôi bằng gậy sắt dài khoảng một mét, tôi chỉ biết chịu trận”, anh Công nhớ lại. Thấy đồng nghiệp đau đớn, anh Võ Văn Thi (44 tuổi, ở Khánh Hòa) ôm anh Công để đỡ đòn cũng bị đánh bầm tím lưng và đùi.
Sau đó, nhóm người Trung Quốc xông vào đập phá cabin, dùng gậy phang tới tấp vào vai và lưng khiến thuyền trưởng Biên bất tỉnh ở khu vực mũi tàu.
Anh Nguyễn Thương bị thương ở tay trái. Ảnh: Phạm Linh
Ở phía mạn phải tàu, ngư dân Nguyễn Thương cùng những người còn lại bị dồn tới trước tàu. Dù mọi người không có vật dụng gì, giơ tay che chắn đầu cũng bị nhóm người cầm hung khí đánh tới tấp. Thấy thuyền trưởng bị ngất xỉu trong cabin, anh Thương quỳ xin được hô hấp nhưng không được chấp nhận.
Lực lượng truy đuổi sau đó dùng tấm bạt đậy cá để trùm đầu các ngư dân, nhằm không cho họ thấy diễn biến. Sau đó, họ cho nhân viên y tế bắt mạch thuyền trưởng, rồi cho phép anh Thương cùng một người khác khiêng anh Biên ra phía sau hô hấp.
Trong thời gian đó, nhóm người Trung Quốc tịch thu ngư cụ và hơn 4 tấn cá thuyền viên đánh bắt được với tổng giá trị hơn 310 triệu đồng. “Họ không để lại gì ngoài bộ định vị để chúng tôi có thể về bờ”, anh Thương kể.
Đến 13h, sau khi lục soát và tịch thu nhiều tài sản, phía Trung Quốc cho thông dịch viên yêu cầu các ngư dân lái tàu về đất liền. Lúc này thuyền trưởng Biên dần hồi tỉnh gọi điện vào bờ báo tin. Khi cách bờ khoảng 50 hải lý (hơn 90 km), ngư dân gặp tàu Cảnh sát biển 6001, được chăm sóc, băng bó chấn thương.
Biên phòng đưa ngư dân cấp cứu lúc về bờ ở cảng Sa Kỳ, tối 29/9. Ảnh: Văn Toàn
Tối 29/9, tàu cá cấp cảng Sa Kỳ. Bốn thuyền viên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Ngoài thuyền trưởng đang điều trị, ngư dân Công bị thương rất nặng phải chuyển viện ra Quảng Nam để phẫu thuật.
Xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, nổi tiếng với nghề lặn biển ở Hoàng Sa. Tuy nhiên quá trình ngư dân đánh bắt ở đây thường xuyên bị tàu nước ngoài cản trở. Thuyền trưởng Biên kể anh từng va chạm nhiều lần với tàu Trung Quốc ở Hoàng Sa. Năm 2009, tàu của anh bị phía Trung Quốc lai dắt tàu tới đảo Hải Nam. Anh và một số thuyền viên bị nhốt 12 ngày, gia đình phải gửi khoảng 140 triệu đồng sang chuộc.
Ngư dân Nguyễn Thương cho biết từng bị bắt và nhốt ở đảo Hải Nam năm 2009. Chính anh là người về trước để lấy tiền chuộc thuyền trưởng Biên. Tháng 6/2023, anh cũng bị Trung Quốc tấn công gần đảo Hai Trụ. Các ngư dân đều cho rằng mức độ bạo lực trong những lần truy đuổi của tàu Trung Quốc ngày càng gia tăng khiến họ lo ngại.
Khu vực tàu ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc truy đuổi, tấn công. Đồ họa: Đăng Hiếu
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 2/10 đã lên án hành vi thô bạo của lực lượng chấp pháp Trung Quốc khi truy bắt, đánh đập ngư dân Việt Nam. Điều này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao yêu cầu Trung Quốc điều tra, thông báo kết quả và không để tái diễn hành vi tương tự trong tương lai.
Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao từng nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phạm Linh