Hà Nội quy định 7 khoản tiền ban đại diện cha mẹ học sinh các trường học ở Hà Nội không được thu của học sinh trong năm học 2024 – 2025.
Theo báo Lao động, chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, nhằm tăng cường công tác quản lý thu, chi, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội thông tin, đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, các nhà trường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh.
Trong quá trình thực hiện, Sở GDĐT Hà Nội lưu ý tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.
Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu 7 khoản sau:
-Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;
-Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;
-Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
-Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
-Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
-Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;
-Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Chỉ Nguyễn Phương Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) – ủng hộ việc siết chặt hoạt động thu chi của các trường đầu năm học.
“Rất nhiều gia đình có con trong độ tuổi đến trường như tôi cảm thấy lo lắng, áp lực bởi họp phụ huynh đầu năm là nghe nhà trường phổ biến học phí, rồi vận động phụ huynh, phát đơn tự nguyện xin học thêm,….” – chị Thảo chia sẻ.
Phụ huynh này kiến nghị, các cơ quan quản lí cần tạo thêm các kênh thông tin để phụ huynh có thể phản ánh kịp thời những việc làm sai quy định, tình trạng lạm thu,… Đồng thời, cần có chế tài xử phạt mạnh hơn với những trường học, cá nhân vi phạm. Như vậy, mới có thể ngăn chặn việc lạm thu núp bóng “tự nguyện”.