Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước đến hết tháng 7, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng ghi nhận mức kỷ lục từ trước đến nay với gần 6,84 triệu tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7, lượng tiền gửi vào ngân hàng từ dân cư đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng, tăng 305.672 tỷ đồng, tương đương 4,7% so với cuối năm ngoái.
Tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tiếp trong gần 2 năm qua. Đây là mức cao kỷ lục được ghi nhận từ trước đến nay, bất chấp lãi suất huy động ở vùng thấp kỷ lục trong năm ngoái và 3 tháng đầu năm nay.
Theo các chuyên gia, thực tế này đang phản ánh sự thận trọng của người dân trước những bất ổn kinh tế và các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản.
Bên cạnh đó, từ tháng 4/2024, lãi suất huy động bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ, góp phần thu hút dòng vốn của người dân vào kênh tiền gửi ngân hàng. Điều này cho thấy người dân vẫn ưa chuộng gửi tiền ngân hàng như một phương tiện bảo toàn vốn trước các biến động thị trường và các rủi ro khó lường.
Trái ngược với xu hướng tăng mạnh của tiền gửi dân cư, tiền gửi của các tổ chức doanh nghiệp tại ngân hàng lại giảm 1,07% so với cuối năm 2023, chỉ còn 6,768 triệu tỷ đồng. Thực tế phản ánh việc doanh nghiệp đang chuyển dịch vốn sang các kênh đầu tư khác thay vì tập trung tiền vào ngân hàng.
Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS), xu hướng tăng lãi suất có thể khó tiếp diễn trong các tháng còn lại của năm 2024 và sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.
Còn Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các Ngân hàng thương mại, lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2% – 5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các Ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Thảo Vân