Nữ bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán ban đầu là khối u thận trái. Thế nhưng sau khi phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện đây là khối giả u do gạc y tế bị bỏ quên từ ca phẫu thuật cách đây 14 năm.
U thận giả do dị vật trong ổ bụng sau phẫu thuật – Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngày 26-6, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ (66 tuổi) tuyến trước chuyển lên với chẩn đoán có khối u thận trái.
Tại bệnh viện, sau khi được bác sĩ tiến hành kiểm tra và đánh giá lại toàn bộ, chẩn đoán trước mổ hướng đến khối u thận, sỏi đài bể thận tái phát sau mổ lấy sỏi 14 năm trước.
Bệnh nhân được phẫu thuật gỡ dính, cắt thận lấy khối giả u và sỏi thận. Tuy nhiên kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật lại cho thấy đây là một khối giả u thận do dị vật là gạc phẫu thuật còn sót trong ổ bụng sau phẫu thuật trước đó.
Mổ gấp một nữ bệnh nhân bị spa ở quận 7 \’bỏ quên\’ gạc trong ngực
Các bác sĩ cho hay đây là một trường hợp hy hữu, bệnh cảnh rất hiếm gặp và gây khó khăn trên đánh giá chẩn đoán hình ảnh, đưa ra chẩn đoán không chính xác trước phẫu thuật.
Theo lời kể của bệnh nhân, bà có tiền sử phẫu thuật lấy sỏi thận trái cách đây 14 năm theo phương pháp mổ mở. Trong suốt thời gian sau mổ lấy sỏi thận lần đầu, sức khỏe của bà vẫn ổn định, không có triệu chứng gì đặc biệt.
Thời gian gần đây, đi kiểm tra sức khỏe ở tuyến dưới thì phát hiện có khối u thận trái.
TS Nguyễn Việt Hải, khoa tiết niệu trên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trong trường hợp này gạc đã không được phát hiện trong thời gian 14 năm. Khối gạc giả u này đã diễn biến qua nhiều năm liền, phản ứng viêm, xơ hóa xung quanh, hoại tử, thoái hóa, sợi gạc bị tiêu biến dần nên không dễ dàng phát hiện.
Theo TS Hải, trong phẫu thuật, băng gạc rất quan trọng để giúp thấm máu, giúp các phẫu thuật viên quan sát mổ được rõ ràng và thuận lợi. Các bác sĩ và điều dưỡng phải tuân thủ quy trình phẫu thuật nghiêm ngặt. Số lượng gạc được đưa vào để thấm máu sẽ được lấy ra, đếm lại số lượng.
Trong những cuộc phẫu thuật lớn, kéo dài, số lượng băng gạc sử dụng lớn. Sự căng thẳng của bác sĩ và điều dưỡng trong suốt cuộc mổ có thể khó tránh khỏi thiếu sót.
“Việc lấy bỏ dị vật ra khỏi cơ thể là bắt buộc để tránh các biến chứng. Lấy bỏ dị vật bằng phẫu thuật hoặc bằng nội soi. Rõ ràng, việc phòng ngừa quên gạc hay dụng cụ tốt hơn điều trị biến chứng. Việc theo dõi nghiêm ngặt an toàn người bệnh có thể chắc chắn phòng ngừa tình trạng tương tự”, TS Hải cho biết thêm.