Nước lũ ngập sâu, con đặt quan tài trên gác mái chờ nước rút để đưa tiễn mẹ

Nước lũ ngập sâu, con đặt quan tài trên gác mái chờ nước rút để đưa tiễn mẹ
Nước lũ ngập sâu, con đặt quan tài trên gác mái chờ nước rút để đưa tiễn mẹ

Mẹ mất giữa những ngày nước lũ dâng cao nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà, con chỉ còn biết đặt áo quan lên gác mái, chờ ngày nước rút để đưa tiễn mẹ. Những thông tin khiến người ta xót lòng nhưng là câu chuyện có thật xảy ra ở Quảng Bình. Báo chí cũng đã có bài đăng tải rồi, mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết bên dưới cho mọi người cùng biết nhé!

Cụ thể, ngày 29/10, ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết, địa phương vừa trải qua một sự việc vô cùng đau lòng, bi thương.

Bà D.T.H – một cư dân tại thôn Tuy Lộc đã qua đời vào sáng 28/10 sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật. Thế nhưng, tình hình lũ lụt lại làm cho việc tiễn đưa bà trở nên muộn màng và đầy khó khăn.

Lúc bà H. mất, nước lũ đang dâng cao nên gia đình không thể tổ chức tang lễ theo đúng nghi thức. Chính quyền và hàng xóm đã đến hỗ trợ gia đình lo tẩm liệm, nhưng vì nước chưa rút, gia đình phải đặt quan tài của bà trên gác mái, chờ nước hạ mới có thể tiến hành an táng” – ông Nhân thông tin.

Hình ảnh cỗ ‘áo quan’ đặt trên gác mái chờ nước rút khiến nhiều người thương vô cùng cho hoàn cảnh gia đình cũng như nhiều người dân ở Quảng Bình, ảnh: NLĐ

Anh Trương Tấn Bình, con của bà H., ngồi lặng lẽ bên quan tài của mẹ, đôi mắt đượm buồn nhìn nước lũ đang chực chờ nhấn chìm tất cả. Chỉ còn khoảng 1 m nữa là nước sẽ dâng đến nơi đặt quan tài.

Suốt đêm 28/10, gia đình anh Bình thay phiên nhau túc trực, không dám ngủ vì lo lũ dâng cao hơn. Mỗi lần nhìn nước nhích lên, lòng người thắt lại, chỉ sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra.

Anh Bình cho biết nếu nước dâng thêm, gia đình sẽ phải buộc quan tài quanh trụ nhà để giữ cho nó không trôi đi và nếu cần thiết, cả nhà phải di tản đến nơi an toàn. “Chúng tôi chỉ mong nước rút nhanh để có thể lo hậu sự cho mẹ đúng như phong tục” – anh Bình nghẹn ngào nói.

Căn nhà của anh Bình bị ngập sâu trong nước, ảnh: NLĐ

May mắn thay, đến sáng 29/10, mực nước đã bắt đầu hạ dần. Nhưng nỗi lo lắng vẫn còn đó, chờ ngày nước rút hẳn để gia đình có thể tiễn đưa bà H. về nơi an nghỉ cuối cùng.

Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cũng cho biết, chính quyền địa phương đã sẵn sàng hỗ trợ gia đình trong việc tổ chức an táng ngay khi điều kiện cho phép.

Hơn 32.000 nhà dân ở Quảng Bình chìm trong biển nước

Toàn tỉnh Quảng Bình có 32.767 nhà dân bị ngập nặng, trong đó tập trung ở huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới; mưa lũ khiến một người chết và một người mất tích.

Do ảnh hưởng bão số 6, ở tỉnh Quảng Bình vẫn mưa lớn khiến số nhà dân bị ngập nặng tiếp tục tăng.

Tính đến 5 giờ sáng 29/10, toàn tỉnh có 32.767 nhà dân bị ngập nặng; mưa lũ khiến một người chết và một người mất tích. Trong số đó, huyện Lệ Thủy có hơn 19.760 nhà, huyện Quảng Ninh hơn 12.000 nhà và thành phố Đồng Hới 1.000 nhà dân bị ngập sâu.

Tình hình mưa lũ ở Quảng Bình diễn biến phức tạp, đang được theo dõi rất sát sao để thông báo cho bà con, ảnh: DSĐ

– Trưa 28/10, ông Phạm Văn Cứ (64 tuổi, ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) chuẩn bị đò để đi chở đồ nhưng không may gặp luồng nước chảy xiết. Nước lũ đã đưa cả người lẫn đò ra xa bờ, sau đó chiếc đò bị lật, ông Cứ mất tích. Chính quyền xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh cùng các lực lượng chức năng đang triển khai tìm kiếm.

– Cũng trong ngày 28/10, ông Nguyễn Văn Bằng (39 tuổi, ở thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) đang trên đường đi đón cháu, sau đó mất tích vào thời điểm nước lũ dâng cao.

Nhận được tin báo, chính quyền địa phương, người dân và các lực lượng chức năng khẩn trương tổ chức tìm kiếm. Tuy nhiên, đến nay lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân.

– Trước đó, tại huyện Lệ Thủy, ngày 27/10, anh Lê Ngọc Hơn (22 tuổi, ở thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy) khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại khu vực hạ lưu đập Thanh Sơn không may bị lũ cuốn trôi.

Tỉnh Quảng Bình đã di dời 1.249 hộ với 3.681 nhân khẩu; trong đó huyện Quảng Ninh phải di dời nhiều nhất là 1.105 hộ với 3.125 khẩu. Các địa phương cũng tiến hành di dời tại chỗ 9.123 hộ dân.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 76 điểm bị ngập trên các tuyến đường giao thông. Trong số đó, tuyến Quốc lộ có 14 điểm bị ngập chủ yếu tại Quốc lộ 9B, Quốc lộ 15, Quốc lộ 9C, Quốc lộ 9E và Quốc lộ 1; đường Tỉnh lộ có 62 điểm bị ngập tại thành phố Đồng Hới, Bố Trạch, Minh Hóa và Quảng Trạch. Bên cạnh đó, có 15 điểm sạt lở tại các tuyến Quốc lộ và tại huyện, thị.

Để đảm bảo cho người dân đi lại an toàn, Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam) đã chủ động phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương kịp thời phân luồng giao thông đi vào tuyến tránh; không để người dân đi vào những đoạn đường bị ngập sâu.

Tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân tại vùng bị ngập lụt; cắm biển cảnh báo, phân công lực lượng túc trực, canh gác tại tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở; tuyệt đối không để người và phương tiện qua lại tại các tuyến đường này.