“Không có người mua, tôi chỉ biết nhìn ruộng dưa chín già mà xót xa. Cắt bỏ thì tiếc, giữ lại thì hư, biết làm sao,” ông Thuận nghẹn ngào.

Chưa kịp mừng khi trái dưa đến kỳ thu hoạch, nhiều hộ nông dân tại thủ phủ dưa hấu ở Quảng Nam như ‘ngồi trên đống lửa’ vì dưa mất mùa, rớt giá thảm hại, thương lái thì bặt vô âm tín.

Giữa cái nắng gắt những ngày tháng 4, cánh đồng dưa hấu ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam) trở nên im ắng lạ thường. Không còn cảnh xe tải nối đuôi nhau thu mua, không còn tiếng nói cười của người dân mỗi khi trúng mùa, thay vào đó là nỗi lo lắng phủ kín ruộng đồng.

Theo nhiều nông dân, mọi năm cứ đến cuối tháng 3 là thương lái lại rộn ràng vào tận ruộng thu mua dưa với số lượng lớn. Nhưng năm nay, chỉ thỉnh thoảng mới có vài ba người ghé qua, lại còn ép giá xuống thấp.

Ghi nhận của phóng viên VietNamNet chiều 22/4 cho thấy, nhiều ruộng dưa tại thị trấn Phú Thịnh (huyện Phú Ninh) dù đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn vắng bóng thương lái.

Ông Nguyễn Văn Thuận (65 tuổi) buồn rầu cho biết, gia đình ông trồng 5 sào dưa, đầu tư hơn 25 triệu đồng, chưa kể hơn 3 tháng đổ mồ hôi ngoài đồng. Thế nhưng đến kỳ thu hoạch, vẫn không có thương lái nào đến thu mua khiến ông “đứng ngồi không yên”.

W-Anh 1.JPG.jpg
Những ruộng dưa chín rộ đang “mỏi mòn” chờ thương lái tới thu mua.
W-Anh 2.JPG.jpg
Ông Thuận lo lắng vì dưa hấu của gia đình đã đến ngày thu hoạch nhưng vẫn đầy ruộng.

“Không có người mua, tôi chỉ biết nhìn ruộng dưa chín già mà xót xa. Cắt bỏ thì tiếc, giữ lại thì hư, biết làm sao,” ông Thuận nghẹn ngào.

Theo ông, vụ dưa năm nay gặp khó khăn là do thời tiết thất thường khiến năng suất giảm mạnh, ước tính sụt khoảng 30% sản lượng. Trong khi đó, đầu ra gần như bị “đóng băng” vì không có thương lái thu mua, hoặc có thì cũng ép giá xuống mức kỷ lục.

Bên ruộng dưa đã chín rộ, ông Nguyễn Ngọc Thành (62 tuổi) chia sẻ, năm nay ông đầu tư 30 triệu đồng để trồng 6 sào dưa hấu.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ dưa gặp nhiều khó khăn, giao dịch diễn ra chậm chạp. Ruộng nào may mắn có thương lái ghé mua thì giá cũng chỉ ở mức 3.000 đồng/kg (với dưa đẹp). Thậm chí, đầu vụ giá còn rớt xuống chỉ còn 2.500 đồng/kg.

W-z6531328683880_fa0316bf12d3b99f34395bdbd51c240f.jpg
Ông Thành cho hay dưa hấu đã mất mùa rồi còn mất giá khiến nông dân điêu đứng.

Ông Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ, cũng trên 6 sào đất này, năm ngoái ông thu được gần 15 tấn dưa, bán tại ruộng với giá từ 6.000-8.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 60 triệu đồng, một con số đáng mơ ước với nông dân.

Thế nhưng năm nay, dưa vừa mất mùa, vừa mất giá, khiến ông ngậm ngùi ví von: “Hai ký dưa giờ không đổi nổi một bó rau”. Tính trung bình, mỗi sào dưa người trồng đang lỗ hơn 2 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc suốt hơn 3 tháng ròng rã.

“Giá phân bón năm nay tăng gần gấp đôi, tiền điện, tiền nước cũng đội lên. Người trồng dưa vốn chỉ mong lấy công làm lãi, nhưng vụ này thì ai cũng lỗ nặng”, ông Thành xót xa.

Là một trong số ít hộ vừa có thương lái đến mua dưa, anh Nguyễn Văn Thông (45 tuổi) cho biết, năm nay anh thuê 20 sào đất để cải tạo và trồng dưa hấu. Tổng chi phí đầu tư vụ mùa lên tới gần 150 triệu đồng, nhưng do giá dưa lao dốc thảm hại, anh tính toán lỗ gần một nửa số vốn.

W-Anh 4.jpg
Một số thương lái đưa xe nhỏ đến thu mua dưa hấu của nông dân với giá khoảng 3.000 đồng/kg.
W-Anh 6.JPG.jpg
Nông dân tập kết dưa hấu lên đường để bán lẻ và chờ thương lái.

“Nếu không bán giá rẻ thì dưa thối trên ruộng, lại mất cả vốn lẫn lời”, anh Thông nói trong thất vọng.

Theo các thương lái địa phương, giá dưa hấu bấp bênh vì phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Năm nay, thời điểm thu hoạch trùng nhau ở nhiều tỉnh miền Trung, khiến cung vượt cầu, đầu ra càng khó khăn.

Theo thống kê, vụ Đông Xuân năm nay, huyện Phú Ninh có khoảng 400 ha trồng dưa, năng suất trung bình khoảng 32 tấn/ha, sản lượng ước tính gần 13.000 tấn.

Ông Nguyễn Thành Đức, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Ninh, cho biết: “Giá dưa đang ở mức rất thấp khiến bà con nông dân chịu ảnh hưởng nặng nề. Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị để tìm giải pháp kết nối tiêu thụ và hỗ trợ đầu ra”.