
Ngày 14/4, một nhóm doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đệ đơn lên Tòa Thương mại quốc tế Mỹ kiện chính quyền Tổng thống Trump.
Đơn kiện được đệ trình lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ bởi Trung tâm Tư pháp Tự do (LJC), một nhóm vận động pháp lý tranh luận thay mặt cho 5 doanh nghiệp mà họ cho là đã bị “tổn hại nghiêm trọng” bởi chính sách thuế quan đối ứng mới của ông Trump.
Đơn kiện viện dẫn mức thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp lên các đối tác thương mại nước ngoài là bất hợp pháp theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA).
Đạo luật IEEPA trao cho Tổng thống Mỹ thẩm quyền áp đặt các quyền hạn kinh tế khẩn cấp để ứng phó với “mối đe dọa bất thường và đặc biệt” đối với an ninh quốc gia hoặc nền kinh tế. Nhưng theo nguyên đơn trong trường hợp này, các tiêu chí để làm căn cứ cho việc ban hành thuế quan chưa được đáp ứng. Đơn khiếu nại cũng cáo buộc rằng luật không cho phép Tổng thống đơn phương áp đặt thuế quan.
“Không một cá nhân nào nên có quyền áp đặt các loại thuế có khả năng gây ra hậu quả kinh tế toàn cầu to lớn như vậy”, ông Jeffrey Schwab – cố vấn cấp cao tại Trung tâm Tư pháp Tự do, cho biết trong một tuyên bố. “Hiến pháp trao quyền thiết lập mức thuế suất, bao gồm cả thuế quan cho Quốc hội, chứ không phải cho Tổng thống”.
Trong một tuyên bố với kênh CNN, người phát ngôn Nhà Trắng Harrison Fields cho biết thâm hụt thương mại với các quốc gia khác có thể cấu thành “tình trạng khẩn cấp quốc gia”.
“Tổng thống Trump đang bảo vệ nước Mỹ bằng cách chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại với các đối tác quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc”, ông Harrison Fields cho biết. “Kế hoạch của Tổng thống là tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và người lao động để giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia của đất nước chúng ta về thâm hụt thương mại kinh niên”.

Ông Trump khẳng định không có ngoại lệ về thuế quan. (Ảnh AP)
Đây không phải là lần đầu tiên thách thức pháp lý nhằm vào các mức thuế quan toàn diện của Tổng thống Trump. Trước đó, vào ngày 3/4, Liên minh Tự do Dân sự Mới (NCLA), một nhóm dân quyền, đã đệ đơn khiếu nại với lý do rằng IEEPA không cho phép Tổng thống ban hành thuế quan. Đơn kiện đã được đệ trình lên Tòa án Quận Hoa Kỳ thuộc Quận phía Bắc Florida, thay mặt cho Simplified – một công ty có trụ sở tại Florida kinh doanh vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Bằng cách viện dẫn quyền lực khẩn cấp để áp đặt thuế quan toàn diện đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà luật không cho phép, Tổng thống Trump đã lạm dụng quyền lực đó, chiếm đoạt quyền kiểm soát thuế quan của Quốc hội và làm đảo lộn sự phân chia quyền lực của Hiến pháp”, ông Andrew Morris – cố vấn tố tụng cấp cao tại NCLA, nói trong một tuyên bố thông báo về vụ kiện của Simplified.
Tổng thống Trump đã “mạnh tay” áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia trên thế giới, song lại thay đổi quyết định ngay sau đó khi tạm hoãn 90 ngày. Ngày 9/4, ông Trump đã giảm thuế đối ứng về mức cơ sở 10% trong vòng 90 ngày cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ bị áp thuế này để tạo điều kiện cho đàm phán thương mại.Tuy nhiên, Trung Quốc là một ngoại lệ. Lãnh đạo Nhà Trắng đã tăng thuế đối ứng với đối thủ địa chính trị lớn nhất của Mỹ lên tổng cộng 145% như một phần của động thái “ăn miếng, trả miếng” trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nước.
Ngày 13/4, trong một bài đăng trên mạng Truth Social, Tổng thống Donald Trump viết: “Không ai tránh khỏi vấn đề liên quan đến cán cân thương mại không công bằng và rào cản thuế quan phi tiền tệ mà các quốc gia khác đã sử dụng để chống lại chúng tôi, đặc biệt là Trung Quốc”.
Ông nhấn mạnh thêm: “Không có ngoại lệ thuế quan nào được công bố hôm 11/4. Những sản phẩm này phải chịu thuế quan fentanyl 20% hiện hành và chúng chỉ được chuyển sang nhóm thuế quan khác”.
Yếu tố khiến ông Trump nhấn ‘nút dừng’ thuế quan
Quyết định đột ngột của Tổng thống Donald Trump hôm 9/4 đảo ngược lộ trình áp dụng thuế quan toàn diện được cho là do nỗi lo sợ về thảm họa thị trường trái phiếu.
“Họ đang trở nên tức giận, một chút sợ hãi”, ông Trump nói, giải thích về những lời chỉ trích ngày càng tăng đổ dồn về Nhà Trắng trong tuần qua – kênh CNN đưa tin hôm 10/4.
Ngay cả đối với một vị tổng thống “mạnh tay” với nhiều chính sách, thông báo về việc tạm dừng các mức thuế quan có đi có lại trong vòng 90 ngày, đã trở thành một sự đảo ngược đáng kinh ngạc đối với một kế hoạch mà chỉ một ngày trước đó mà ông tỏ ra hoàn toàn kiên định.
Nhiều ngày chịu áp lực từ những nghị sĩ trong chính đảng Cộng hòa, các giám đốc điều hành doanh nghiệp và thậm chí cả những người bạn thân… dường như không lay chuyển được ông Trump, người đã khẳng định vào tuần trước: “Chính sách của tôi sẽ không bao giờ thay đổi”.
Tuy nhiên, đến ngày 9/4, sau đợt bán tháo mạnh trên thị trường trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ (thường là góc an toàn cho các nhà đầu tư), hậu quả kinh tế từ chiến lược của Tổng thống Mỹ cho thấy khả năng thảm khốc và tồi tệ hơn so với những gì các cố vấn của ông đã dự đoán trước đó.
Theo nhận định một số chuyên gia được kênh CNN dẫn lại, sự lo ngại ngày càng tăng bên trong Bộ Tài chính về những diễn biến trên thị trường trái phiếu là yếu tố chính khiến ông Trump quyết định tạm dừng chính sách thuế quan “có đi có lại” của mình.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã nêu trực tiếp những lo ngại đó với ông Trump trong một cuộc họp trước thông báo tạm dừng, nhấn mạnh những lo ngại được chia sẻ bởi các quan chức kinh tế Nhà Trắng, những người đã tóm tắt cho ông Trump về đợt bán tháo đang tăng tốc trên thị trường Kho bạc Hoa Kỳ vào đầu ngày 9/4.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa đưa ra quyết định tạm dừng mức thuế quan mới khi ông đăng bài trên mạng xã hội về thị trường chứng khoán vào sáng 9/4. Nhưng sau đó vào buổi chiều, ông thừa nhận rằng ông đang theo dõi chặt chẽ tình hình hỗn loạn của thị trường trái phiếu.

Quyết định đột ngột của Tổng thống Donald Trump hôm 9/4 đảo ngược lộ trình áp dụng thuế quan toàn diện được cho là do nỗi lo sợ về thảm họa thị trường trái phiếu. (Ảnh: Getty Images)
“Thị trường trái phiếu rất phức tạp, tôi đã theo dõi nó”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên.
Ông Trump thậm chí đã thấy một số đồng minh thân cận của mình đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về triển vọng suy thoái do thuế quan. Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon nói rằng, suy thoái là “một kết quả có thể xảy ra” của một cuộc chiến thương mại leo thang.
Trong thông báo phát đi vào trưa 9/4 (giờ Mỹ), tức khoảng nửa ngày sau khi mức thuế đối ứng mà ông Trump khởi xướng áp với 180 đối tác thương mại có hiệu lực và sau khoảng 6 giờ Trung Quốc thông báo áp thuế với hàng hóa Mỹ lên 84% để đáp trả, Tổng thống Mỹ tuyên bố nâng mức thuế quan với Trung Quốc lên 125% ngay lập tức bởi “sự thiếu tôn trọng của nước này với thị trường toàn cầu”.
Ở chiều ngược lại, ông Trump cũng thông báo hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày và giảm mức thuế này xuống 10% với các nền kinh tế khác.
Ông ra quyết định này bởi hơn 75 quốc gia đã liên lạc với giới chức Mỹ để đàm phán thỏa thuận thương mại. “Những quốc gia này đã không trả đũa, đúng với đề nghị của tôi”, ông Trump viết.
Bộ trưởng Tài chính Bessent và các quan chức khác khẳng định quyết định tạm dừng thuế quan mới đối với tất cả các quốc gia ngoại trừ Trung Quốc không phải là một “sự lùi bước”, thay vào đó, họ coi động thái này là một phần trong kế hoạch tổng thể để đưa các quốc gia vào bàn đàm phán.