
Việt Nam – Trung Quốc ký Nghị định thư, mở đường cho các sản phẩm như ớt, chanh leo, tổ yến thô, tổ yến sạch, cám gạo xuất sang thị trường tỷ dân.
Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngày 14-15/4, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung.
Theo Tuyên bố chung, hai bên ký Nghị định thư với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc như ớt, chanh leo, tổ yến thô, tổ yến sạch, cám gạo.
Bên cạnh các mặt hàng trên, Trung Quốc đang tích cực triển khai thủ tục cấp phép chính thức cho các mặt hàng nông sản Việt như hoa quả có múi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật. Ngược lại, phía Việt Nam sẽ đẩy nhanh nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.
Hai bên cũng đẩy nhanh xây dựng cửa khẩu thông minh tại các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Đồng thời, mô hình này sẽ được cân nhắc nhân rộng tại các cửa khẩu khác đủ điều kiện, gồm cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng. Các “kết nối mềm” về hải quan thông minh sẽ được nâng cấp.
Phía Trung Quốc sẵn sàng tạo thuận lợi sớm thành lập thêm các Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu (Hải Nam) và địa phương liên quan khác. Hai bên sẽ phối hợp nâng hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới, giảm tải áp lực thông quan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự lễ chào cờ tại Phủ Chủ tịch chiều 14/4. Ảnh: Giang Huy
Hiện 14 loại nông sản Việt đã được xuất khẩu chính ngạch sang nước láng giềng, đem lại doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc chi 4,6 tỷ USD để mua rau quả Việt. Tính riêng 11 tháng, sầu riêng đứng đầu với hơn 2,84 tỷ USD, thanh long khoảng 320 triệu USD, chuối 220 triệu USD, mít 240 triệu USD.
Các văn kiện này được kỳ vọng giúp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Trước đó, xuất khẩu các loại rau quả sang Trung Quốc cũng tăng mạnh nhờ hai nước cùng tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, như Hiệp định ASEAN – Trung Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các Nghị định thư ký giữa hai nước.
Việt Nam có lợi thế lớn về địa lý khi sở hữu hơn 1.450 km đường biên giới (đường bộ và đường thủy) với nước láng giềng. Bên cạnh đó, Trung Quốc có nhiều chợ đầu mối lớn nằm sát biên giới phía Bắc, cách các vùng trồng nông sản của Việt Nam vài trăm km. Nhờ đó, chi phí logistics thấp, thời gian vận chuyển nhanh và cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác.
Cũng theo Tuyên bố chung, hai bên cam kết chú ý đến các biện pháp hạn chế thương mại, đầu tư, khẳng định duy trì thể chế thương mại đa phương cởi mở, minh bạch, bao trùm. Việc không phân biệt đối xử với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là hạt nhân, quy tắc nền tảng.
Đồng thời, các bên cùng thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế phát triển theo hướng cởi mở, bao trùm, mang lại lợi ích chung, cân bằng, cùng thắng.
Việt – Trung sẽ cùng triển khai tốt Sáng kiến khung hợp tác kinh tế thương mại quốc tế về kinh tế số và phát triển xanh, RCEP và hoan nghênh đơn gia nhập RCEP của Khu hành chính đặc biệt Hongkong (Trung Quốc).
Phía Việt Nam ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn và trình tự của Hiệp định.
Ngoài thương mại, hai nước nhất trí đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển, ưu tiên kết nối hạ tầng về đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu.
Ủy ban liên hợp về hợp tác đường sắt Việt – Trung thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ hai bên về việc hợp tác triển khai các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Việt Nam – Trung Quốc, tăng kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới. Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam nghiên cứu hợp tác về công nghệ và đào tạo nhân lực.
Với hàng không, Việt – Trung tạo điều kiện về gia hạn, bổ sung giờ cất, hạ cánh cho các hãng hàng không hai nước khai thác thị trường của nhau, khuyến khích các hãng khôi phục và mở thêm các chuyến bay. Các công ty hàng không Việt Nam được hoan nghênh đưa vào vận hành máy bay thương mại của Trung Quốc, tăng hợp tác trong lĩnh vực máy bay thương mại do nước này sản xuất.
Phương Dung