Mới đây, SBS News đã đưa tin, một lao động người Việt mới đây đã tử vong tại phòng trọ của mình tại thành phố Ulsan (Hàn Quốc).
Theo thông tin từ SBS News, người tử vong là anh A. (quốc tịch Việt Nam, khoảng 30 tuổi) từng làm việc trên thuyền tại cảng Jeongja ở thành phố Ulsan (Hàn Quốc) và sống trong ký túc xá dành cho lao động người nước ngoài tại đây.
Vào sáng ngày 19/12 trong thời tiết lạnh giá khắc nghiệt, anh A. bỗng xuất hiện triệu chứng khó thở, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngừng tim và tử vong sau đó. Một hàng xóm người Việt của anh cho biết: “Khi tôi đến, cậu ấy đã không thể cử động, chỉ có thể ho và thở thều thào vài hơi.”
Ban thờ của anh A.
Cảnh sát cho biết, nguyên nhân cái chết của nam thanh niên là do sự cố ngoài ý muốn. Theo kết quả giám nghiệm pháp y, anh A. tử vong vì bệnh tim mạch. Như lời các đồng nghiệp kể lại, anh cũng thường phàn nàn về tình trạng căng thẳng, mệt mỏi do môi trường làm việc thiếu thốn.
Trong căn phòng trọ diện tích hẹp, có thể thấy một chiếc bàn nhỏ được kê trong góc phòng với một vài loại hoa quả, lon bia và di ảnh chàng trai trẻ được đặt bên trên.
Trung tâm hỗ trợ người nước ngoài Ulsan đã phát hiện, do những lao động này chưa được trả lương trong một tháng nay nên họ chỉ có thể tiết kiệm bằng cách cắt giảm chi phí cho nguyên liệu sưởi ấm cũng như không thể đăng ký bảo hiểm y tế.
Nhân viên của Trung tâm hỗ trợ thường trú người nước ngoài thành phố Ulsan cho biết: “Các lao động cho biết vì không được trả lương nên họ phải chắt bóp sống qua ngày, thậm chí phải vay tiền người quen để mua đồ ăn.
Cũng theo thông tin từ SBS News, tính đến năm ngoái (năm 2022), số lượng người người nước ngoài sống ở Ulsan vượt quá 26.000 và 6.000 trong số đó đăng ký làm công nhân. Park Yoo Ri – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thường trú người nước ngoài tại Ulsan cho biết:
“Hầu hết họ là thủy thủ trên tàu và đến từ Indonesia hoặc Việt Nam. Vì những công việc này rất khó khăn, vất vả nên có rất nhiều người đã bỏ đi khi chưa được phép.”
Với số lượng lao động tăng nhanh, rất nhiều người nước ngoài rơi vào “điểm mù” của các chương trình phúc lợi và không thể nhận được sự hỗ trợ, điều trị y tế kịp thời.